Năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng 9,2%. Công tác xây dựng thể chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành có nhiều kết quả quan trọng, qua đó góp phần cùng cả nước hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đây là những nội dung được khẳng định trong Báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng diễn ra sáng 4/1.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội tham dự Hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng của ngành ở mức cao so với kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước. Giá trị sản xuất xây dựng đạt 9,2% so với kế hoạch đề ra từ 8,46 đến 9,21%. Trong số 16 chỉ tiêu của năm 2018, có 3 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là chỉ tiêu về kính xây dựng (265/320 triệu m2) và gạch ốp lát (705/770 triệu m2).
Bãi bỏ hơn 41% thủ tục hành chính
Điểm nhấn trong kết quả công tác của Bộ Xây dựng là công tác xây dựng thể chế; cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, thẩm tra thiết kế dự toán, cấp phép xây dựng.
Cụ thể, Bộ đã hoàn thành 3 dự án Luật gồm Luật Kiến trúc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị.
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, ngành xây dựng đã kiến nghị bãi bỏ 5 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó, bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Bộ cũng đã tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng là đơn vị đầu tiên trong 22 bộ, ngành chính thức triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính theo mô hình Bộ phận một cửa.
Công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đã nề nếp hơn; vi phạm trật tự xây dựng giảm đáng kể. Qua đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam luôn đứng thứ 3 trong các nước ASEAN về Chỉ tiêu cấp phép xây dựng (bao gồm cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan); đứng thứ 20/190 nền kinh tế.
Tăng hiệu quả quản lý xây dựng bằng quy hoạch
Công tác quy hoạch, quản lý nhà nước bằng quy hoạch cũng được triển khai hiệu quả. Đến nay, quy hoạch vùng tỉnh đã cơ bản phủ kín trên cả nước, đã có 58/63 địa phương được phê duyệt. 16/16 khu kinh tế ven biển, 17/26 khu kinh tế, 3 khu công nghệ cao được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng. 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt, tương đương 805 đồ án.
Tỉ lệ lập quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị; 58/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn; 27/63 địa phương phê duyệt quy hoạch cấp nước; 20/63 địa phương phê duyệt quy hoạch thoát nước. Tỉ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8.926 xã);
Công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển đô thị; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã có nhiều chuyển biến quan trọng, từng bước bảo đảm sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Năm 2018, đã có 12 đô thị được nâng loại (03 đô thị loại II, 04 đô thị loại III, 05 đô thị loại IV). Đến nay, tổng số đô thị cả nước là 828 đô thị, bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 24 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV, 652 đô thị loại V. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 38,4% (tăng 0,9 % so với năm 2017). Tại các đô thị du lịch ven biển, ngành xây dựng đã rà soát, kiên quyết lập lại trật tự, trả lại không gian biển cho người dân khu vực ven biển.
Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế - dự toán, kiểm tra công tác nghiệm thu của các cơ quan chuyên môn về xây dựng tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí. Chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, tỉ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án đạt khoảng 4,38% so với dự kiến tổng mức đầu tư. Thông qua việc thẩm định thiết kế, dự toán đã cắt giảm chi phí khoảng 2,59% so với dự toán.
Thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng phát triển ổn định
Công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản được thực hiện có hiệu quả, duy trì tăng trưởng của thị trường. Năm 2018, giá cả bất động sản không biến động nhiều so với năm 2017, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm; cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Tính đến 20/12/2018, giá trị tồn kho còn khoảng 22.825 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý I/2013 đã giảm 105.723 tỷ đồng (giảm 82,24%), so với 20/12/2017 giảm 2.557 tỷ đồng (giảm 10,07%). Diện tích nhà ở hoàn thành trong năm 2018 khoảng 58 triệu m2. Đến nay, đã hoàn thành khoảng 5.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn khoảng 290.000 m2. Diện tích bình quân nhà ở đạt 24 m2 sàn/người.
Thị trường vật liệu xây dựng được phát triển hài hòa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo số liệu tổng hợp, toàn ngành đã sản xuất và tiêu thụ 95 triệu tấn xi măng, tăng 12% so với 2017; sản xuất và tiêu thụ gần 705 triệu m2 gạch ốp lát, tăng 5 triệu m2 so với 2017; sản lượng sản xuất và tiêu thụ sứ vệ sinh đạt khoảng 16 triệu sản phẩm, tăng 10% so với 2017; trên 16 triệu m2 đá ốp lát.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã tập trung phát triển các vật liệu mới, thân thiện môi trường; từng bước giải quyết vấn đề xử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện… Tính đến tháng 11/2018, tổng sản lượng gạch không nung cả nước sản xuất ước đạt 8 tỷ viên (QTC), chiếm 30% tổng sản lượng gạch xây; gạch nung cả nước sản xuất ước đạt 18 tỷ viên (QTC), chiếm 70% tổng sản lượng gạch xây. Đã có 55 tỉnh xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn.
Trong năm 2018, Bộ Xây dựng cũng đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt; rà soát, sắp xếp 37 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; giảm 10% số lượng đầu mối tại các đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp từng bước tự chủ, hoạt động có hiệu quả (đặc biệt trong việc cung cấp các dịch vụ về thí nghiệm, kiểm định xây dựng, thẩm tra thiết kế-dự toán, kiểm định vật liệu xây dựng,…).
(TH/ Chính phủ)