Thời gian qua, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã nỗ lực tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp đô thị. Nhờ đó, bộ mặt đô thị Kinh Môn ngày càng có sự đổi thay mạnh mẽ với vóc dáng của một thị xã lớn mạnh.
Huyện Kinh Môn có diện tích trên 16.349ha, gồm có 22 xã và 3 thị trấn. Đây là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như động Kính Chủ, núi An Phụ với đền Cao - nơi thờ An sinh vương Trần Liễu và tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo... Trong 5 năm trở lại đây tốc độ đô thị hoá và phát triển công nghiệp của huyện có những bước nhảy vọt.
Theo đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị Kinh Môn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì hướng quy hoạch chung đô thị Kinh Môn sẽ lấy lõi là thị trấn Kinh Môn mở rộng sang 2 thị trấn Phú Thứ và Minh Tân, tạo thành chuỗi phát triển đô thị. Đô thị lõi với 3 thị trấn làm trung tâm sẽ nâng cấp lên đô thị loại IV, từ đó làm cơ sở đưa toàn huyện trở thành thị xã vào năm 2015 theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng của toàn tỉnh. Việc quy hoạch sẽ được thực hiện trên diện tích 16.349ha; gồm tất cả 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Với quy mô dân số dự kiến đến năm 2015 là 168.000 người, năm 2020 là 180.000 người, năm 2030 là 200.000 người. Kinh Môn là trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính và khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương và khu vực lân cận.
Việc quy hoạch cũng đã định hướng cho Kinh Môn phát triển theo từng khu vực. Đô thị công nghiệp - dịch vụ sẽ tập trung ở phía bắc, gồm các khu vực thị trấn Kinh Môn, Phú Thứ mở rộng được kết nối với thị trấn Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh). Khu vực này được xây dựng nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Đô thị trung tâm là khu vực thị trấn Kinh Môn cũ được mở rộng. Đây là trung tâm hành chính, các công trình dịch vụ công cộng thiết yếu như y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao… Khu vực này được bổ sung thêm quảng trường, công viên cây xanh, trung tâm thương mại, chợ… Đô thị phát triển mới là khu phía tây huyện, có nhà máy nhiệt điện. Ở đây sẽ xây dựng cụm đô thị tập trung, hiện đại. Đây còn là khu du lịch tâm linh, du lịch danh thắng, đô thị sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng… với nền tảng là cảnh quan tự nhiên, di tích danh thắng và không gian văn hóa cộng đồng. Hầu hết trong quy hoạch xây dựng phát triển các đô thị mới ở Kinh Môn được các nhà tư vấn tôn trọng tự nhiên, cảnh quan, tránh xáo trộn, chia cắt sông ngòi, đồng thời có tính khả thi cao.
Huyện Kinh Môn dự kiến quy hoạch xác định ranh giới nội và ngoại thị. Phạm vi nội thị đến 2020 gồm 7 xã, thị trấn chuyển thành phường. Đó là 3 thị trấn Kinh Môn; Phú Thứ và Minh Tân; các xã Hiệp Sơn, An Phụ, Hiệp An và Duy Tân. Sau đó phát triển thêm 4 xã chuyển thành phường và sẽ ổn định và phát triển cho giai đoạn quy hoạch đến năm 2030 là Quang Trung, Phúc Thành, Thất Hùng và Phạm Mệnh. Thị xã Kinh Môn sẽ quy hoạch mới 11 khu dân cư, đô thị mới tại một số khu vực, gồm các điểm dân cư nông thôn phát triển và được tiến hành cải tạo theo chủ trương xây dựng nông thôn mới, gồm có hệ thống công viên - cây xanh - quảng trường; công viên cây xanh bảo vệ - tôn tạo di tích...
Kinh Môn quy hoạch Khu đô thị sinh thái Thành Công - khởi công từ năm 2017 là cửa ngõ phía Nam của thị xã Kinh Môn trong tương lai.
(Quyết định Chủ trương đầu tư số 3115/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương)
Giao thông của huyện sẽ phát triển nối thông với các QL5, 18, 37 và các khu vực lân cận bằng hệ thống cầu lớn để Kinh Môn dễ dàng nối thông với thị trấn Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh), Thủy Nguyên (Hải Phòng), thị xã Chí Linh, thị trấn Phú Thái (Kim Thành), thị trấn Nam Sách và TP Hải Dương…
Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kinh Môn đã đẩy mạnh phát triển kinh tế; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa... nhờ đó hạ tầng kỹ thuật đô thị của huyện Kinh Môn đã được đầu tư, tu bổ và được nâng cấp xây dựng mới, như: Hệ thống giao thông đấu nối với QL5 và với QL18 (tỉnh lộ 388) trên địa bàn, cùng với đó là hệ thống giao thông tỉnh lộ 389A và 389B cũng đã được đầu tư cải tạo và nâng cấp, nhiều khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn được xây dựng mới... Trên địa bàn huyện Kinh Môn hiện có nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia, nhiều cụm công nghiệp như: Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, xi măng Phúc Sơn; khu liên hợp sản xuất gang thép, than cốc của Tập đoàn Hòa Phát; các cụm công nghiệp Long Xuyên, Phú Thứ, dự án nhà máy Nhiệt điện Kinh Môn đang được triển khai thực hiện... Về kinh tế, trong nhiều năm gần đây huyện Kinh Môn có tốc độ phát triển kinh tế cao và là trọng điểm về kinh tế công nghiệp của tỉnh, là một trong các huyện có tổng thu ngân sách tỉnh chiếm tỷ trọng lớn đạt khoảng gần 1/3 số thu ngân sách của tỉnh.
Có thể khẳng định việc nâng cấp huyện Kinh Môn thành thị xã là yêu cầu cần thiết, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện và phù hợp quy định của Nhà nước cũng là sự kỳ vọng, mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kinh Môn.
Báo Xây Dựng