Cảm ơn những "chiến sĩ áo trắng"!
Tin tức
2602/2022

Cảm ơn những "chiến sĩ áo trắng"!

Hơn 2 năm qua, các cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh đã phải nỗ lực hết mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, giúp Hải Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành y tế Hải Dương phải đối diện với những khó khăn, thử thách chưa từng có trong lịch sử do Covid-19 gây ra. Y tế các tuyến từ thôn, khu dân cư đến xã, huyện, tỉnh đã phát huy hết tinh thần trách nhiệm, toàn tâm toàn lực cùng lực lượng quân đội, công an, tình nguyện xông pha nơi tuyến đầu chống dịch với mục tiêu cao cả là bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe nhân dân.


Bác sĩ Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Chí Linh vẫn nhớ khoảng thời gian Hải Dương là tâm dịch của cả nước. Thực hiện lời “hiệu triệu” của tỉnh, hàng nghìn nhân viên y tế, sinh viên ngành y từ khắp nơi đã đổ về Chí Linh. Họ ngày đêm quên ăn, quên ngủ, thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, ngăn dịch lan rộng. Hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện hăng hái vào khu điều trị F0, cách ly F1.
"Giữa cái nóng rát bỏng của mùa hè, mặt họ đỏ ửng, người ướt đẫm mồ hôi, đôi bàn tay nhăn nheo vì phải mặc đồ bảo hộ suốt cả ngày. Hình ảnh những “chiến sĩ áo trắng” gục xuống nền đất nghỉ ngơi vì kiệt sức trong lúc làm nhiệm vụ đã thực sự chạm tới trái tim của bao người và sẽ trở thành ký ức khó phai mờ", bác sĩ Lân chia sẻ.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, có rất nhiều cán bộ, nhân viên ngành y đã làm việc gấp nhiều lần sức lực của mình. Họ lặng lẽ khắc phục khó khăn, hy sinh bản thân để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Tình, nhân viên Trạm Y tế xã Văn Tố (Tứ Kỳ) có hai con nhỏ, chồng vắng nhà nhưng vẫn tình nguyện đi trực chốt rồi không may gặp tai nạn tử vong đã lấy đi nước mắt của biết bao người. Cùng với đó là những câu chuyện đầy xúc động về không ít trường hợp cả hai vợ chồng là nhân viên y tế cùng đi chống dịch dài ngày, để con thơ ở nhà tự lo liệu cuộc sống, bảo ban nhau học hành hoặc gửi nhờ người thân chăm sóc.

Đó còn là những câu chuyện về những nhân viên y tế tình nguyện ở trong bệnh viện làm nhiệm vụ điều trị F0 nhiều tháng trời ròng rã, không về nhà khi bố mẹ ốm đau, người thân có chuyện vui buồn và để vợ, chồng, con cái, người yêu phải khắc khoải nhớ mong. Có những nhân viên y tế cơ sở, dù cách nhà chỉ vài bước chân nhưng nhiều tuần không về nhà vì phải ở lại cơ quan làm nhiệm vụ chống dịch. Nhiều nhân viên y tế 2 cái Tết đã qua chẳng được sum vầy bên gia đình. Và, cũng thật cảm động khi hàng trăm nhân viên y tế dù đã nghỉ hưu nhưng khi quê hương gặp khó đã xung phong quay trở lại tham gia chống dịch...


Chị Vương Quỳnh Mai (Nam Sách) cho biết: "Bình thường chúng tôi làm việc liên tục trong mấy ngày là đã thấy oải, thế mà các nhân viên y tế phải làm việc vất vả, áp lực suốt hơn 2 năm qua vì nhân dân. Tinh thần, trách nhiệm của họ thật đáng ngưỡng mộ".

Có kể và nói bao nhiêu lời cảm ơn cũng không đủ lột tả hết sự hy sinh thầm lặng của nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. Đóng góp của họ đã giúp Hải Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phòng chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
"Những đóng góp thầm lặng của các cán bộ, nhân viên ngành y tế đã và đang cống hiến cho sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân sẽ luôn được các cấp, ngành và nhân dân ghi nhận", đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

TCGVN/ Tin tức/ Theo Báo Hải Dương