Hội thảo “Top 20 tỉnh, thành có nhiều động lực phát triển giai đoạn 2024 - 2025” đã công bố danh mục 20 tỉnh thành có tiềm năng trong phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới, giúp các nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan để đưa ra quyết định hợp lý trong chu kỳ bất động sản tiếp theo.
Nhiều cái tên bất ngờ "lọt top"
Danh sách 20 tỉnh thành có nhiều động lực phát triển trong năm 2024 - 2025 được đưa ra thông qua quá trình sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu và các chỉ số; thực tế so sánh các tiêu chí và tổng hợp các tiêu chí, so sánh các liên quan đến bất động sản.
Về phương pháp nghiên cứu và các chỉ số, nhóm nghiên cứu tổng hợp các dữ liệu và lựa chọn các chỉ số quan trọng đối với tình hình phát triển kinh tế, nguồn động lực tại tỉnh đó. Sau đó sẽ đưa ra những so sánh số liệu để chia ra thành những bảng điểm khác nhau.
Về các chỉ số đánh giá và tiêu chí chính, báo cáo dựa trên 5 yếu tố chính: Quy hoạch chung, xã hội, tự nhiên, kinh tế, thị trường bất động sản. Các yếu tố này tác động trực tiếp đến tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản của tỉnh đó. Trong đó, yếu tố bất động sản là yếu tố vô cùng quan trọng vì liên quan đến dư địa phát triển bất động sản, liên quan đến động thái dòng tiền đổ về thị trường bất động sản các tỉnh/ thành phố.
Sau khi xem xét các chỉ số và so sánh dữ liệu, danh sách 20 tỉnh thành được cho là có tiềm năng phát triển kinh tế năm 2024 - 2024, đặc biệt là tiềm năng phát triển bất động sản được công bố như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hải Dương, Cần Thơ, Long An, Hưng Yên, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Nam.
Bảng xếp hạng Top 20 tỉnh, thành có tiềm năng tăng trưởng bất động sản trong giai đoạn 2024 - 2025.
Đáng chú ý, các tỉnh thành như Hải Dương, Thái Nguyên, Nghệ An gây bất ngờ khi đạt được nhiều tiêu chí trên bảng đánh giá.
Thị trường bất động sản ở tỉnh Hải Dương chưa thực sự phát triển trong những năm qua, song khi xét đến nguồn cung bất động sản, tỉnh Hải Dương có đến 1.586 ha nguồn cung nhà ở thương mại, 5.800 căn nhà ở xã hội chỉ tiêu 338 giai đoạn 2022 - 2025, nhóm nghiên cứu Sen Vàng Group cho biết.
Tại Nghệ An, cơ cấu sử dụng đất đô thị giai đoạn 2021 - 2030 có đến 5.760 ha, cơ cấu sử dụng đất thương mại dịch vụ là 2.776 ha. Số lượng nguồn cung nhà ở xã hội chỉ tiêu của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 gần 40 ha.
Tỉnh Thái Nguyên nằm trong danh sách tỉnh đáng đầu tư khi có cơ cấu sử dụng đất đô thị giai đoạn 2021 - 2030 là 5.695 ha, cơ cấu sử dụng đất thương mại dịch vụ giai đoạn 2021 - 2030 là 894 ha. Đây cũng là tỉnh có nguồn tung bất động sản nhà ở xã hội chỉ tiêu 338 giai đoạn 2022- 2025 cao, gần 9.000 căn.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia bất động sản đánh giá dữ liệu từ Sen Vàng Group đưa ra đáng tin cậy và có độ chính xác cao, hỗ trợ việc ra quyết định đầu tư trong chu kỳ bất động sản tới đây.
Bất động sản nông nghiệp đa dụng - Kênh đầu tư mới của thị trường
Trong phần 2 của Hội thảo, Tọa đàm “Xu hướng phát triển thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2024 - 2025” đã nhận được nhiều câu hỏi của khán giả về vấn đề liên quan đến chính sách, pháp lý trong thị trường bất động sản. Đồng thời các chuyên gia cũng phân tích, tổng hợp thị trường và đưa ra xu hướng phát triển thị trường bất động sản trong chu kỳ mới.
Đáng chú ý, PGS. TS Nguyễn Minh Ngọc đã có những chia sẻ về bất động sản nông nghiệp đa dụng. Bất động sản nông nghiệp đa dụng là loại bất động sản vừa có chức năng sản xuất nông nghiệp, vừa có chức năng sử dụng cho các mục đích khác như du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí,…
"Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, xu hướng đầu tư trên thị trường bất động sản nông nghiệp có nhiều người để mắt đến một cách thực chất (tức là đầu tư làm nông nghiệp). Đặc biệt, đây sẽ là xu hướng đầu tư đi kèm hành động, tức là nhà đầu tư sẽ không chỉ mua rồi để đó mà sẽ phát triển bằng cách khai thác, vận hành cho mảnh đất sinh lời bằng nông nghiệp. Xu hướng này trước mắt quy mô có thể không lớn, nhưng là một kênh đầu tư tốt trong trung và dài hạn, dự báo sẽ thu hút được nhiều người tham gia” , PGS. TS Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ.
Vớii các thắc mắc về việc dự án bị đình trệ vì vướng mắc pháp lý, ông Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý Bất động sản cho biết, có thể phân loại các vướng mắc hiện nay thành 3 loại dựa trên các mức độ khác nhau về mặt pháp lý.
Thứ nhất , vướng một số quy định của các luật, trong đó có Luật Đất đai là vướng mắc khó giải quyết nhất, nhưng với các luật, nghị quyết mà Quốc hội đã ban hành và sắp ban hành bao gồm các dự thảo nghị quyết thí điểm của Quốc hội thì sẽ cơ bản giải quyết được các vướng mắc này.
Bất động sản nông nghiệp đa dụng được nhận định sẽ trở thành kênh đầu tư tiềm năng mới trên thị trường.
Thứ hai , vướng một số quy định của văn bản dưới luật, điển hình là vướng mắc, ách tắc trong công tác định giá đất cụ thể. Trong đó, chủ yếu là việc áp dụng phương pháp thặng dư (khoảng 80% trường hợp định giá đất cụ thể áp dụng phương pháp thặng dư) để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại theo các quy định của Nghị định 44/2014 của Chính phủ, Thông tư 36/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn đến hệ quả là rất nhiều chủ đầu tư dự án không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, khách hàng mua nhà không được cấp sổ hồng.
Thứ ba , vướng trong công tác thực thi pháp luật nhất là tại các địa phương, trong đó có tâm lý của một số cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước sợ trách nhiệm, sợ vướng rủi ro pháp lý dẫn đến né tránh, đùn đẩy, không dám đề xuất, không dám quyết định, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật chưa đủ độ rõ, chưa cụ thể hoặc chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất hoặc. chưa dễ hiểu, chỉ có một cách hiểu và dễ thực hiện.
Theo đó, sau khi triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 và các luật có liên quan sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc cho các dự án gặp nhiều vấn đề về pháp lý. Tuy nhiên, vẫn không để xảy ra tỉnh trạng “sửa luật để hợp thức hóa sai phạm”, ông Nguyễn Văn Đỉnh chia sẻ thêm.
Theo: Tạp chí công thương