Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Tin tức
1711/2020

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Lịch sử và ý nghĩa

Năm 1957, Liên hiệp Quốc tế Các công đoàn giáo dục (FISE) mà Việt Nam là một thành viên, quyết định lấy 20/11 làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Đây là dịp nêu cao mục tiêu đấu tranh nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, chống áp bức, thể hiện trách nhiệm và quyền lợi của giáo giới.

Thầy đồ dạy học tại trường làng xưa

 Mỗi khi đến dịp 20/11, nhà giáo lại tự nhắc nhở về sứ mệnh thiêng liêng của mình, về hành trình đấu tranh để giành lấy quyền tự do thực hiện sứ mệnh khai sáng của mình, thay vì chỉ đấu tranh về phúc lợi.

Lần đầu tiên ngày "quốc tế hiến chương các nhà giáo" được tổ chức tại Việt Nam là vào năm 1958, ở miền Bắc.

Khi Việt Nam thống nhất, ngày này trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định thiết lập ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam".

Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.

Thầy cô giáo được ví như những người chèo đò, chở bao thế hệ học trò đến bến bờ thành công

Trong ngày này, các học sinh thường tặng hoa, quà cho các thầy cô. Các trường học, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tri ân. Ngành Giáo dục cũng thường nhân dịp này để đánh giá lại hoạt động giáo dục.

Các câu nói nổi tiếng về nghề dạy học

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa".

 

Bác Hồ thăm và nói chuyện với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo".

Theo: Báo điện tử Vnexpress